Tuần trước, Hyundai khẳng định đang đàm phán hợp tác phát triển xe hơi với Apple. Nhưng ngay sau đó, họ rút lại thông tin đã đề cập tới Apple.
Theo CNBC, động thái của hãng xe Hàn Quốc chắc chắn có sự tác động từ phía hãng công nghệ Mỹ. Hợp tác kinh doanh với Apple có nghĩa bạn không được nói với ai về điều đó. Các công ty phải tuân thủ thỏa thuận không tiết lộ thông tin một cách nghiêm ngặt, kể cả khi họ là công ty đại chúng và Apple là khách hàng lớn.
Thực tế, các thỏa thuận không tiết lộ vốn phổ biến trong lĩnh vực công nghệ cao, nhưng Apple còn gây áp lực lớn hơn cho các đối tác.
Chẳng hạn, hãng từng dọa phạt nhà cung cấp 50 triệu USD cho mỗi một vụ rò rỉ. Thông tin này chỉ được công khai khi nhà sản xuất màn hình sapphire cho Apple là GT Advanced Technologies tiến hành thủ tục và nộp đơn phá sản năm 2014.
Một số công ty có thể nói một cách hạn chế về việc hợp tác, nếu như Apple đã công khai nhắc đến mối quan hệ đó. Ví dụ, Apple đã trả ít nhất 450 triệu USD để mua kính cường lực của Corning từ năm 2017 và nêu rõ trong thông cáo báo chí nhằm chứng minh họ đã thúc đẩy các công ty Mỹ phát triển ra sao.
Dù vậy, Corning vẫn rất e dè khi đề cập đến Apple, cho tới khi mẫu kính mới của họ được Apple nhấn mạnh trong lễ ra mắt iPhone 12.
“Tôi không thoải mái khi nói ra tên Apple. Thậm chí, chúng tôi đặt tên mã riêng cho Apple và không bao giờ nói ‘Apple’ trong công ty”, Wendell Weeks, CEO Corning, tiết lộ trong cuộc gọi báo cáo tài chính hồi tháng 10. “Nếu nhìn thấy tôi lúc này, bạn sẽ thấy mặt tôi hơi ửng hồng và có một chút lo lắng khi đọc đến tên của họ”.
Apple sẽ phạt tiền các đối tác hoặc sa thải nhân viên tiết lộ bí mật. Ảnh: Steemit.
Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) hồi tháng 3, nhà sản xuất chip âm thanh Cirrus Logic cho biết Apple chiếm tới 81% tổng doanh thu của hãng trong năm tài chính 2020, tương đương 1,28 tỷ USD.
Thế nhưng, những năm qua, ban lãnh đạo Cirrus gần như không bao giờ nói đến tên Apple. Slide thuyết trình liệt kê các khách hàng của Cirrus cũng không xuất hiện logo “Quả táo”. Thay vào đó, hãng để ảnh một chiếc hộp màu nâu với dòng chữ “Khách hàng số một”.
Các công ty đại chúng khác cũng thường sử dụng từ ngữ thay thế khi bắt buộc phải nhắc đến Apple.Tháng 6/2020, Hock Tan, CEO Broadcom, tiết lộ iPhone 12 sẽ được phát hành muộn hơn, nhưng cũng chỉ nhắc tới “khách hàng điện thoại di động lớn ở Bắc Mỹ của chúng tôi”.
Năm 2011, Apple thậm chí bán áo sơ mi tại cửa hàng trong khuôn viên của mình với nội dung đùa về văn hóa giữ bí mật: “Tôi đã đến thăm khuôn viên Apple. Nhưng đó là tất cả những gì tôi được phép nói”.
Sự bí mật của Apple gắn liền với người sáng lập ra nó – Steve Jobs. Ông được coi là nhà tiếp thị bậc thầy, luôn giữ điều bất ngờ đến phút cuối của sự kiện.
Trong cuốn Inside Apple xuất bản năm 2012, tác giả Adam Lashinsky mô tả cuộc sống bên trong Apple “giống như căn phòng không cửa sổ với một CEO có nắm đấm thép”. Những căn phòng không cửa sổ, bị khóa trái là nơi các sản phẩm như iPhone và iPad được thảo luận. Ngay cả lãnh đạo cao cấp cỡ Phó chủ tịch cũng chỉ được mời vào phòng để trình bày về phần họ phụ trách trong thiết kế chung rồi được yêu cầu rời khỏi phòng. Ít ai hình dung toàn bộ sản phẩm trông như thế nào. Trách nhiệm giữ bí mật ăn sâu trong mỗi nhân viên. Bất cứ ai bị phát hiện đã tiết lộ một phần sản phẩm, dù là vô tình hay cố ý, cũng lập tức bị sa thải.
Sau khi Steve Jobs qua đời, việc giữ bí mật cho các sản phẩm không còn được như trước, nhưng Apple vẫn luôn có những bất ngờ nhất định cho các lễ ra mắt iPhone vốn thu hút hàng triệu người xem trực tuyến của họ.
Hãng coi thông tin chi tiết về những sản phẩm chưa công bố là “một trong những tài sản lớn nhất của hãng”. Trong chính sách ứng xử kinh doanh của Apple từ tháng 10, hãng yêu cầu nhân viên nên chọn lọc khi tiết lộ thông tin cho đối tác và nhà cung cấp, và chỉ làm vậy sau khi ký thỏa thuận không tiết lộ.
Châu An (theo CNBC)
5 / 5 ( 7 bình chọn )
Comments